Dịch vụ Mua - Bán bất động sản Lâm Đồng

Liên hệ ký gửi Mua/Bán: 0934.00.79.86

Đôi nét về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng

Đôi nét về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng

Điều kiện tự nhiên

Huyện Di Linh nằm về phía nam tỉnh Lâm Đồng, có diện tích tự nhiên 161.315,54 ha, bao gồm 18 xã và 1 thị trấn, trong đó phía Bắc giáp huyện Lâm Hà và tỉnh Đăk Nông, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Đông giáp huyện Đức Trọng, phía Tây giáp huyện Bảo Lâm.

Nằm ngay trên trục Quốc lộ 20 từ thành phố Đà Lạt đi TP.HCM; trục Quốc lộ 28 đi thành phố Phan Thiết và tỉnh Đăk Nông, Di Linh còn có một điểm khá đặc biệt, đây là trung tâm của cao nguyên Di Linh nổi tiếng và tỉnh Đồng Nai Thượng trước kia. Huyện Di Linh nằm ở trung tâm tỉnh Lâm Đồng, nếu xét về mặt khoảng cách Đông – Tây, Nam – Bắc. Với vị trí rất đặc biệt, Di Linh có lợi thế trong giao lưu kinh tế và hội đủ điều kiện để phát triển thành điểm phân phối, lưu thông hàng hoá, liên kết kinh tế giữa các vùng Phan Thiết – Di Linh – Đăk Nông; TP.HCM – Di Linh – Đà Lạt.

Huyện Di Linh ở phía Nam của cao nguyên Di Linh, cao độ tuyệt đối lớn nhất 1.888,61m là đỉnh núi nằm giữa ranh giới 2 xã Bảo Thuận và Tam Bố, thấp nhất khoảng 525m ven sông Đa Dâng phía Tây Bắc xã Đinh Trang Thượng, giáp với huyện Bảo Lâm và tỉnh Đăk Nông. Huyện Di Linh có 3 dạng địa hình khác nhau, nhưng chủ yếu có 3 dạng địa hình:

Địa hình núi cao: tập trung chủ yếu ở phía Nam và Tây Nam huyện, hiện nay còn rừng tự nhiên che phủ, cao độ tuyệt đối trung bình khoảng 1.100m, độ dốc lớn, mức độ chia cắt mạnh, vùng này chủ yếu là phát triển lâm nghiệp với chức năng phòng hộ và bảo vệ môi trường.

Địa hình trung bình: Tập trung chủ yếu dọc theo các tuyến đường giao thông, đặc biệt theo tuyến Quốc lộ 20 và Quốc lộ 28. Cao độ tuyệt đối khoảng 850m, độ dốc thấp, tương đối bằng phẳng.

Địa hình thấp trung bình: Có ven các con sông, suối lớn như sông Đa Dâng, cao độ tuyệt đối trung bình khoảng 650m, hầu hết diện tích thuộc dạng địa hình này là các dạng đất phù sa và đất nâu thẫm trên đá bazan.

Di Linh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, với các đặc điểm sau: khí hậu ôn hoà, nhiệt độ trung bình khoảng 22,2 độ C, số giờ nắng khoảng 1.800 – 2.200 giờ, độ ẩm 80-85%, hầu như không có bão và sương muối. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, lượng mưa trung bình hàng năm 2.500 – 3.000mm.

Khí hậu rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây công nghiệp dài ngày như cà phê, chè,..

Nắng ít, độ ẩm không khí cao, nhiều ngày có sương mù, cường độ mưa lớn và tập trung nên dễ gây xói mòn đất là những hạn chế trong đặc điểm khí hậu của vùng, cần phải được đặc biệt chú ý trong quá trình bố trí sử dụng đất và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phù hợp.

Trên địa bàn huyện Di Linh có sông Đa Dâng ở phía Bắc, là ranh giới tự nhiên với tỉnh Đăk Nông và huyện Lâm Hà và rất nhiều suối lớn nhỏ khác nhau. Ngoài ra, Di Linh còn có các hồ nước lớn như: hồ Đồng Nai 2, 3, hồ Thanh Bạch – Đinh Lạc, hồ tái định canh ở xã Đinh Trang Thượng,…Ngoài ra, còn có một số hồ nước nhỏ nằm rải rác ở các xã như: hồ Đông Di Linh, hồ Tây Di Linh, hồ 1019,…đã góp phần giải quyết nước tưới cho cây  trồng trong mùa khô.

Kinh tế xã hội

Trong những năm qua kinh tế của huyện tiếp tục phát triển khá toàn diện, tăng trưởng kinh tế một số ngành đạt khá cao, kết cấu hạ tầng từng bước hoàn thiện, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá. Giá trị sản xuất các ngành năm sau cao hơn năm trước.

Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất ngành chủ yếu: ngành nông lâm thuỷ sản tăng 5,7% (kế hoạch 4,6%); ngành công nghiệp tăng 9,48% (kế hoạch 6,2%); ngành xây dựng 11,5% (kế hoạch 7,3%); ngành thương mại dịch vụ tăng 10,5%.

Thu nhập bình quân đầu người 38 triệu đồng (kế hoạch 42 triệu đồng).

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 353,72 tỷ (kế hoạch 312,930 tỷ đồng), bằng 112,2% so với kế hoạch.

Về cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch đúng hướng: tăng dần tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế của huyện.